THỜI HẠN THAY NHỚT

P-C Beaker With HT Seal v01(140)

THỜI GIAN THAY NHỚT CÓ PHẢI LÚC NÀO CŨNG NHƯ NHAU HAY KHÔNG NGAY CẢ KHI SO SÁNH GIỮA HAI ĐỘNG CƠ GIỐNG NHAU VỀ CÔNG SUẤT?
Câu trả lời là có thể khác nhau và đôi lúc khác nhau khá nhiều. Sự thay đổi tuổi thọ dầu nhớt là kết quả của nhiều yếu tố mà chúng ta có thể phân thành 03 nhóm chính:
– Thiết kế, tuổi, và điều kiện của động cơ
– Môi trường và điều kiện lái
– Tính chất và chất lượng dầu nhớt
Trước hết, chúng ta tìm hiểu về Thiết kế, tuổi, và điều kiện của động cơ:
Hiệu quả tiêu hao nhiên liệu được liệt vào một trong các yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tuổi thọ dầu nhớt động cơ. Nó phụ thuộc vào hiệu quả đốt trong. Do sự đốt cháy không hoàn toàn, một phần hỗn hợp khí nén trong buồng đốt và các chất nhiễm bẩn dạng hạt đi vào khu vực chứa dầu nhớt qua khe hở giữa bạc xéc-măng và xy-lanh. Sự “lọt khí” này làm cho các chất nhiễm bẩn thâm nhập vào dầu nhớt. Chúng có thể là: bụi, nước, muội than, nhiên liệu sống, nitrogen oxide (NOx) và các hydrocarbon bị đốt cháy không hoàn toàn. Ngoài hiệu quả đốt trong, các yếu tố về thiết kế như hiệu quả làm kín, các các hệ thống kiểm soát nhiệt độ và khí thải cũng ảnh hưởng đến loại và hàm lượng chất nhiễm bẩn trong dầu nhớt. Các chất nhiễm bẩn này đều làm giảm tuổi thọ dầu nhớt, gia tăng sự mài mòn…và như vậy làm giảm tuổi thọ động cơ. Lọc nhớt cũng là một yếu tố quan trọng cần được quan tâm. Các khe lọc quá lớn hoặc quá nhỏ (do loại lọc không thích hợp hoặc do lọc bị tắt nghẽn) đều gây ảnh hưởng có hại cho động cơ.
Kích cỡ của buồng chứa dầu (các-te) cũng liên quan đến thời gian thay dầu. Dung tích chứa lớn cũng có nghĩa có số lượng dầu nhớt “còn mới” có nhiều hơn và dầu nhớt hoạt động ít khắc nghiệt hơn vì vậy nó có khả năng kéo dài hơn thời gian thay dầu nhớt.

Tiếp theo là Môi trường và Điều kiện lái:
Xe vận hành trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt sẽ ảnh hưởng không tốt đến dầu nhớt động cơ. Ví dụ ở nhiệt độ cao, độ nhớt sẽ bị giảm xuống, đồng thời dầu nhớt cũng bị oxy hóa, nitrate hóa…dẫn đến giảm tuổi thọ dầu nhớt. Môi trường bên ngoài có nhiều bụi, độ ẩm cao cũng làm tăng nguy cơ dầu nhớt bị nhiễm bẩn thông qua buồng đốt trong.
Đường có nhiều dốc cao, xe vận hành dừng đỗ liên tục, tải nặng, hoặc cách lái xe (nhấn ga, hãm phanh liên tục) làm tăng tiêu hao nhiên liệu. Và như vậy giảm tuổi thọ dầu nhớt dẫn đến nguy cơ giảm tuổi thọ động cơ.

Cuối cùng là tính chất và chất lượng dầu nhớt:
Trước hết và cơ bản nhất là sự lựa chọn dầu nhớt cho động cơ phải đúng theo khuyến cáo về độ nhớt (ví dụ như 5W-30, 10W-40…), và ít nhất phải đạt được chuẩn chất lượng như mô tả trong sổ tay hướng dẫn sử dụng theo xe (ví dụ: CI-4, CH-4,…cho xe chạy bằng diesel hoặc SN, SM, SL,… cho xe chạy bằng xăng)
Nếu độ nhớt quá cao (so với khuyến cáo) sẽ dẫn đến tăng nhiệt độ khi vận hành, và vì thế giảm tuổi thọ dầu nhớt. Kế đến là khả năng duy trì độ nhớt trong mức cho phép của nhà sản xuất động cơ. Nhiệt độ càng cao, độ nhớt sẽ càng giảm. Nếu độ nhớt giảm thấp dưới mức cho phép của nhà sản xuất động cơ, ma sát giữa các bộ phận sẽ tăng, dẫn đến giảm tuổi thọ động cơ. Nếu độ nhớt quá cao dẫn đến sự luân chuyển dầu nhớt đến các bộ phận kém khi khởi động, gây mài mòn. Dầu nhớt có hệ số nhớt cao (VI) giúp cho dầu nhớt vận hành tối hơn trong các điều kiện thay đổi nhiệt độ.
Chất lượng dầu nhớt cũng ảnh hưởng đến khả năng kháng oxy hóa, khả năng giảm ma sát, khả năng xử lý muội than (đối với động cơ diesel), khả năng chống hình thành cặn lắng trên piston, valve (xú-báp)…và do đó sẽ làm tăng hay giảm tuổi thọ dầu nhớt, liên quan trực tiếp đến tuổi thọ động cơ.

Nói tóm lại, tuổi thọ dầu nhớt và vì vậy thời gian thay nhớt sẽ thay đổi khi:
– Tiêu hao nhiên liệu thay đổi (do thiết kế, do cách bảo dưỡng, cách vận hành, và do môi trường vận hành,…)
– Và cũng thay đổi theo sự lựa chọn dầu nhớt

***